Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã Bản Giang, chúng tôi tìm gặp anh Vũ Quang Khiết, người biết vươn lên từ nghèo khó và làm giàu bằng ý chí và khối óc. Biết anh chăng mấy khi có thời gian nghỉ ngơi, chúng tôi không vào nhà mà đến thẳng xưởng chế biến chè của gia đình anh. Quả đúng vậy, khi đến đây chúng tôi bắt gặp anh đang hì hụi cùng công nhân lắp giáp dây chuyền máy vò chè mới hiện đại vừa mới được anh mua về.
Phải đợi gần 1 giờ đồng hồ, anh mới tạm dừng công việc để tiếp chuyện chúng tôi. Trò chuyện bên ly trà nóng, anh cho biết: Anh sinh ra ở Nam Định, năm 1979, anh theo bố mẹ lên Lai Châu để làm kinh tế. Khi lớn lên, lập gia đình, cuộc sống ban đầu của hai vợ chồng gặp nhiều khó khăn. Anh đã làm đủ nghề như chạy xe thuê, buôn bán đồ khô… để trang trải cuộc sống nhưng cái nghèo vẫn luôn đeo bám.
Sau nhiều trăn trở, anh nhận thấy diện tích chè của bà con trong xã rất nhiều nhưng mỗi khi thu hoạch thì lại phải đem đi xa để bán. Từ đó anh nảy ra ý tưởng mở xưởng sản xuất chè để thu mua chè tươi về sao bán. Năm 2005, anh đã vay vốn của ngân hàng, anh em bạn bè, người thân để đầu tư nhà xưởng, máy móc sản xuất, chế biến chè.
Gần 2 năm đầu tư, xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động thì cơ sở của anh đã một phen lao đao bởi do chưa có kinh nghiệm trong sản xuất chế biến chè nên khi xuất bán chè khô sang thị trường Đài Loan, hơn 100 tấn chè khô của anh bị tiêu hủy do chất lượng không đảm bảo. Lần thất bại này đã khiến vợ chồng anh gần như trắng tay.
Anh Khiết (bên phải) đang kiểm tra vùng nguyên liệu chè tại xã Bản Giang
Nhờ sự động viên của gia đình và người thân, anh đã quyết tâm đứng dậy và bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Anh đã dồn những đồng vốn cuối cùng để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Những thất bại của buổi ban đầu khi bước vào thương trường như một bài học quý giá đối với anh. Lần này, để có kinh nghiệm trong chế biến chè anh đã bỏ công đi học hỏi cách làm chè ở những vùng chuyên sản xuất chè, như: Yên Bái, Thái Nguyên, Mộc Châu… đồng thời học hỏi qua sách, báo, ti vi…
Với sự kiên trì, lòng đam mê với nghề, anh vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và rồi dần thành công. Hiện nay, với hệ thống dây chuyền sản xuất chè hiện đại, vào chính vụ chè thì mỗi ngày cơ sở sản xuất của anh chế biến được khoảng 30 tấn chè tươi, từ đó xuất ra thị trường Đài Loan 5 tấn chè khô.
Anh Vũ Quang Khiết, bản Hà Giang chia sẻ: “Để có được như ngày hôm nay, vợ chồng mình đã trải qua nhiều thăng trầm, đổ biết bao mồ hôi, công sức và cả nước mắt. Với mình, để có được thành công trong sản xuất, kinh doanh thì không được phép lùi bước trước thất bại mà phải bước tiếp về phía trước”
Không chỉ sản xuất chè, anh còn mở thêm cửa hàng bán vật liệu xây dựng và đầu tư 01 cơ sở sản xuất gạch bi. Ngoài ra, anh còn mua 4 xe ô tô vừa để phục vụ cho việc thu mua chè và chuyên chở vật liệu cho các công trình. Sau hơn 10 năm khởi nghiệp, anh Khiết đã có trong tay một cơ sở sản xuất chè với dây chuyền công nghệ hiện đại và một cửa hàng bán vật liệu xây dựng với tổng doanh thu một năm trên 13 tỷ đồng. Không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình, mà anh Khiết còn đem lại công việc ổn định cho 22 lao động địa phương với mức lương từ 5 - 7 triệu/tháng.
Nhận xét về anh Vũ Quang Khiết, anh Vàng Văn Lính, Chủ tịch Hội nông dân xã Bản Giang cho biết: “Anh Kiết là một hội viên luôn có những suy nghĩ táo bạo trong sản xuất kinh doanh. Anh thực sự là tấm gương điển hình của sự nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu ngay chính trên đồng đất quê hương mình ”
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn //midevit.com là vi phạm bản quyền