Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bữa no bữa đói, ông Lừ thấu hiểu nỗi khổ của sự nghèo khó. Tuy không được học hành nhiều nhưng ông đã sớm nung nấu trong mình ý chí vươn lên thoát nghèo bằng cách học hỏi, tích lũy kiến thức để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình.
Sau khi xây dựng gia đình, cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm khó khăn bởi 2 đứa con lần lượt ra đời. Mặc dù cả 2 vợ chồng chịu khó làm lụng nhưng do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên công sức bỏ ra thì nhiều mà hiệu quả kinh tế đem lại không cao, cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn mà khó có thể làm giàu được. Mãi đến năm 2013, khi tỉnh - huyện có chủ trương đưa cây ăn quả ôn đới vào trồng tại xã Giang Ma, ông là một trong những hộ tiên phong của xã cải tạo đất đồi núi kém hiệu quả trồng thí điểm Đào chín sớm, sau 3 năm từ 2013 đến năm 2015 ông đã trồng được 100 gốc, tiếp theo đó ông trồng thêm 25 gốc Mận và 80 gốc Lê. Đến nay, sau 5 năm chịu thương, chịu khó gia đình ông đã có 205 cây ăn quả ôn đới các loại, trong đó 100 gốc Đào chín sớm đã cho thu hoạch mỗi năm thu được trên 2 tấn quả, thu nhập đạt từ 30 đến 50 triệu đồng/năm, ngoài ra đến nay 25 gốc Mận và 80 gốc Lê cũng bắt đầu cho quả bói. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tích cực trồng 2 ha lúa 1 vụ, 5.000m
2 ngô, chăn nuôi thêm gần chục con lợn lớn nhỏ, 4 con trâu để lấy sức cày kéo và gần 50 con gia cầm các loại. Bình quân thu nhập của gia đình ông một năm trừ mọi chi phí cũng được từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Từ một gia đình có cuộc sống khó khăn, dưới sự cố gắng nỗ lực của cả 2 vợ chồng, đến nay gia đình ông là một trong những hộ gia đình khá giả trong bản, khi có đủ điều kiện kinh tế ông đã cho con cái học hành đầy đủ, trong 2 người con của ông thì có 1 người đang theo học tại Học viện hành chính Quốc gia. Tâm sự với chúng tôi Lừ nói: “Trước đây không riêng gia đình mình mà kinh tế của bà con nhân dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn, chỉ biết sản xuất nông nghiệp manh mún và chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng từ khi Nhà nước đưa cây ăn quả ôn đới vào trồng trên địa bàn xã, gia đình mình cũng tham gia trồng đến nay đem lại hiệu quả kinh tế khá cao nên kinh tế của gia đình mình đã có nhiều thay đổi, thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều, mình cũng có điều kiện để cho con cái ăn học đẩy đủ hơn”.
Anh Sùng A Lừ đang thu hoạch Đào chín sớm của gia đình.
Không chỉ là một người biết vươn lên vượt qua đói nghèo, ông còn rất tích cực trong các công tác xã hội, hơn 10 năm qua ông đã đảm nhiệm qua các chức vụ ở cơ sở như: Trưởng ban công tác Mặt trận, kiêm Chi hội trưởng nông dân, đến năm 2011, ông được sự tín nhiệm của bà con dân bản bầu làm trưởng bản, trên cương vị mới ông rất năng nổ nhiệt tình, gương mẫu trong mọi công việc, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế của bản thân cho bà con muốn phát triển kinh tế làm giàu chính đáng. Nhận xét về trưởng bản Sử Thàng ông Giàng A Chư - Phó chủ tịch UBND xã Giang Ma cho rằng: Đối với trưởng bản Sùng A Lừ ngoài là một tấm gương trong phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng chí Lừ còn rất nhiệt tình trong các công việc được giao, đồng chí luôn tích cực vận động bà con nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tuân thủ các quy định của nhà nước. Đây là một tấm gương sáng để chúng tôi nhân rộng ra trên địa bàn toàn xã.
Từ sự nhiệt tình, năng động trong công tác, gương mẫu đi đầu trong phong trào XĐGN ở địa phương,Trưởng bản Sùng A Lừ đã trở thành tấm gương sáng để người Mông ở bản Sử Thàng học tập, làm theo tích cực lao động, sản xuất, cùng nhau đoàn kết vươn lên thoát nghèo. Riêng cá nhân ông Lừ được các cấp khen thưởng vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trên các cương vị khác nhau.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn //midevit.com là vi phạm bản quyền