Tiếp chúng tôi trong ngôi khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, chị Trám kể cho chúng tôi nghe những ngày gian khó lập nghiệp. Sinh năm 1969, vừa tròn 18 tuổi, chị lập gia đình, tài sản khi đó chỉ có vài ba sào ruộng, rồi những đứa con lần lượt ra đời đã làm cho cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Phải tìm cách thoát nghèo, nhưng làm thế nào để thoát được nghèo đã làm chị bao đêm trăn trở.
Năm 2004, khi tỉnh Lai Châu được chia tách, thành lập, là bản nằm tiếp giáp với thị xã Lai Châu (nay là thành phố Lai Châu), trong những lần đi chợ, chị nhận thấy cá thương phẩm bán ở ngoài chợ rất chạy và được giá, chị suy nghĩ “Tại sao không đầu tư nuôi cá khi ở bản mình có nhiều nguồn nước”. Từ suy nghĩ ấy, chị Trám đã bàn với chồng mua đất ở những vùng có sẵn nguồn nước tự chảy để đào ao thả cá. Năm 2004, thông qua kênh Hội LHPN xã, chị vay được 10 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để đầu tư vào việc nuôi cá. Vốn liếng ít, anh chị chỉ đào những chiếc ao nhỏ trên 1.000m
2, xong việc nuôi cá cũng chẳng rễ ràng, do thiếu kinh nghiệm, cá hay bị dịch bệnh, có đợt anh chị mất trắng cả ao cá. Không nản chí, chị Trám tiếp tục đầu tư giống để nuôi đợt mới, vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm qua các lớp tập huấn, qua sách báo, ti vi…đồng thời chị còn xuống tận tỉnh Hải Dương để mua giống cá tốt, ít dịch bệnh.
Chị Trám cho cá ăn
Biết bao giọt mồ hôi, công sức của vợ chồng anh chị đổ xuống cho việc đào ao, chăm sóc cá để rồi cũng có ngày thành công. Những lứa cá đầu tiên được chị tận tay mang ra chợ bán và đem về cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể. Từ thành công bước đầu đó, năm 2006 anh chị quyết định vay hơn 100 triệu của Ngân hàng NN&PTNT huyện để thuê máy xúc mở rộng diện tích ao và đào thêm ao thả cá, đến nay anh chị đã có 4 chiếc ao rộng trên 1,5 ha.
Để có sẵn nguồn thức ăn cho cá, chị Trám trồng cỏ voi, chuối, sắn và nấu rượi để lấy bỗng … Nhờ chăm sóc tốt, cá ít dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt, cuối năm 2014, chị Trám thu hoạch được trên 3 tấn cá thương phẩm bán ra thị trường và thu về trên 200 triệu đồng.
Ngoài nuôi cá, chị Trám còn cấy 3.000 m
2 lúa, trồng trên 3.000 m
2 chè, nuôi hàng chục con lợn, gà, vịt, chim bồ câu… Mỗi năm trừ chi phí gia đình thu lãi 250 triệu đồng. Giờ đây, anh chị đã trả hết số tiền vay ngân hàng, có điều kiện xây dựng nhà cửa đàng hoàng hơn và nuôi con cái ăn học.
Chị Trám nấu rượu để có nguồn bỗng làm thức ăn cho cá
Chia sẻ về kinh nghiệm của mình Chị Vàng Thị Trám tâm sự: “Muốn thoát cái đói nghèo, trước tiên mình phải có lòng kiên trì, phải biết lựa chọn cây, con để nuôi trồng phù hợp với đồng đất của địa phương, đồng thời phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất thì mới có được thành công…”Không chỉ vượt khó làm giàu cho gia đình mình, mà chị Trám còn sẵn sàng giúp đỡ vốn, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho các chị em khác trong chi hội cùng phát triển kinh tế
Chị Lê Thị Túc - Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Giang cho biết: “Trong những năm qua, chị Trám luôn là hội viên cần cù trong lao động, là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó làm giàu. Ngoài ra, chị còn một hội viên gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của hội, tích cực giúp đỡ các chị em hội viên cùng nhau phát triển kinh tế. Hội phụ nữ xã cũng lấy đây là nhân tố điển hình để nhân rộng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.Với những cố gắng của mình trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình và tận tình giúp đỡ các hội viên khác, chị vàng Thị Trám xứng đáng là tấm gương tiểu biểu cần được học tập và nhân rộng.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn //midevit.com là vi phạm bản quyền