Ở tuổi 70, ông Bùi Đình Nguyên vẫn giữ nguyên niềm đam mê với nghệ thuật chèo và các nhạc cụ dân tộc từ thuở thiếu thời. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở quê lúa Thái Bình nơi có những điệu chèo nổi tiếng, khi mới 15 tuổi ông đã tham gia vào đội văn nghệ của xã Đông Sơn - huyện Đông Hưng - Tỉnh Thái Bình, năm 1965 ông tình nguyện đi mở đường ở các tỉnh như: Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Thái và Hải Phòng. Trong thời gian tình nguyện ở Hải Phòng ông được cử đi học lớp trung cấp nhạc và tham gia vào đội văn nghê của công đoàn Cảng. Ông cho biết: Sau những ngày là việc vất vả, những lúc nghỉ ngơi, đồng đội lại quây quần bên nhau, hát cho nhau nghe. Lời ca, tiếng hát đặc biệt là các làn điệu chèo như “liều thuốc” tinh thần làm ấm lòng đồng chí, đồng đội và tiếp sức cho thanh niên tình nguyện hăng say hơn trong công việc. Đến năm 1984 theo tiếng gọi của Đảng ông cùng gia đình lên bản Đông Phong - xã Thèn Sin để xây dựng vùng kinh tế mới. Thời gian này, ông tích cực tham gia dàn dựng các chương trình văn nghệ của xã nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương.
Ông Bùi Đình Nguyên tham gia biểu diễn nghệ thuật chèo tại ngày hội đại đoàn kết các dân tộc trong xã.
Theo ông Nguyên cho biết: Đến nay ông có thể hát được 65 điệu hát chèo truyền thống như: Lây lơ, Hát cách, Quân tử dịch, Luyện năm cung… Ngoài ra ông còn sử dụng thành thạo 4 loại nhạc cụ dân tộc là: Sáo, nhị, đàn tam và đàn bầu. Không chỉ biết hát các làn điệu chèo truyền thống và sử dung các nhạc cụ dân tộc ông còn sáng tác được nhiều tiểu phẩm và các bài thơ về các chủ đề: Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Phòng chống tệ nạn xã hội, sản xuất chăn nuôi giỏi, người cao tuổi và về người phụ nữ Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi ông Bùi Đình Nguyên cho biết: Là người con quê lúa và có sẵn máu văn nghệ khi lên đến vùng đất mới này cuộc sống còn nhiều vất vả, khó khăn, dù công tác ở cương vị nào khi có các chương trình văn nghệ của xã tôi đều tích cực tham gia với mong muốn gìn giữ và phát huy truyền thống của quê hương góp phần cùng chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước thông qua những làn điệu chèo tới bà con một cách dễ hiểu hơn.
Trong 8 năm từ 1990 đến 1998 ông làm trưởng ban văn hóa xã, cũng trong thời gian này ông đã thành lập được 4 đội văn nghệ của dân tộc Thái, Kinh, Giấy và Mông. Năm 1997 đội văn nghệ của xã đã đạt giải nhất tại hội diễn văn nghệ quần chúng toàn tỉnh. Bản thân ông cũng đã đạt 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc trong hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Lai Châu. Từ năm 1999 đến 2009 ông được bầu là Chủ tịch MTTQ xã, năm 2010 về nghỉ hưu nhưng ông vẫn tiếp tục được bầu là Chủ tịch hội người cao tuổi kiêm Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong của xã Thèn Sin. Mặc dù ở cương vị công tác nào ông vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở tại xã hoặc tham gia các chương trình, hội thi do tỉnh, huyện tổ chức và trong thời gian công tác công đã được các cấp tặng nhiều bằng khen và giấy khen.
Ông Bùi Đình Nguyên đang sử dụng đàn bầu�t các dân tộc trong xã.
Hiện nay, trong căn nhà của ông có rất nhiều nhạc cụ để ông có thể thỏa mãn thú vui của mình, ngoài ra ông còn truyền dạy cho các thế hệ trẻ và những người đam mê làn điệu chèo hay nhạc dân tộc đến để trao đổi, học hỏi về các nhạc cụ truyền thống và được dạy hát chèo… Tiếp nối ngọn lửa tình yêu nghệ thuật của ông, hai người con của ông cũng tham gia vào đội văn nghệ ở thôn bản. Ông cũng mong muốn: Tôi mong ngày càng có nhiều người không chỉ những người con của quê hương Thái Bình mà cả những người dân tộc khác đang sinh sống trong xã biết chơi đàn, hát chèo mà cũng phải biết bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc mình, vừa nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, vừa gìn giữ giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc cũng như của quê hương.
Thực hiện Nghị quyết trung ương 5 khóa VIII của Đảng về "giữ gìn và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", Đảng bộ, chính quyền xã đã chỉ đạo Ban văn hoá xã có các giải pháp tích cực hiệu quả để vực dậy và khôi phục vốn nghệ thuật truyền thống của quê hương. Trong đó, có được những người như ông Nguyên thì ngọn lửa hát chèo sẽ tiếp tục được gìn giữ và tỏa sáng trong tâm hồn lớp trẻ để giá trị truyền thống của quê hương mãi được lưu giữ và phát huy. Đó là lời của khẳng định của ông Nguyễn Văn Chung - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã.
Chia tay Thèn Sin trong một buổi chiều thu, những làn điệu chèo mượt mà, trữ tình như còn lưu luyến mãi trong tâm trí khiến tôi thầm nhủ sẽ trở lại đây trong một ngày không xa.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn //midevit.com là vi phạm bản quyền