Để khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, những năm gần đây, cấp ủy chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh rạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó khuyến khích lựa chọn đầu tư vào mô hình nuôi trồng thủy sản để khai thác tốt lợi thế mặt nước. Có thể nói, mô hình nuôi trồng thủy sản đã và đang góp phần tích cực chuyển đổi ngành nghề cho lao động, bước đầu hình thành vùng nuôi cá tập trung có hiệu quả kinh tế bền vững ở Bản Giang. Ông Nguyễn Bá Kiện, Chủ tịch UBND xã Bản Giang cho biết: Là địa phương có nền kinh tế thuần nông, trước đây bà con nông dân duy trì phương thức canh tác, sản xuất truyền thống nên hiệu quả kinh tế thấp, thiếu tính bền vững. Vài năm trở lại đây, xác định bên cạnh những lợi thế về đồi rừng thì việc khai thác tốt lợi thế về nuôi trồng thủy sản sẽ tạo được khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền khuyến khích nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi đặc biệt chú trọng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn xã”.
Với diện tích mặt nước 6.500m2, mỗi năm đem về thu nhập cho gia đình Ông Nạ hơn 100 triệu đồng
Sau một thời gian triển khai đã có một số hộ mạnh rạn đầu tư chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình Ông Cá văn Nạ ở bản Hà Giang, với diện tích 6.500m2 ruộng, trước đây gia đình cấy lúa kém hiệu quả, năm nào được mùa cũng chỉ cho thu hoạch 4 tấn thóc. Khi có chủ trương của xã khuyến khích chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, gia đình ông Nạ đã cải tạo diện tích trên thành ao thả cá. Với việc biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi cá mà mỗi năm, trừ mọi chi phí gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Cũng như gia đình ông Nạ, nhiều hộ dân trong xã đã biết tận dụng diện tích mặt nước, nguồn nước ổn định quanh năm được cung cấp từ hệ thống suối và nước ngầm, để chuyển hướng đầu tư nuôi trồng thủy sản thay thế cho một số loại cây trồng kém hiệu quả. Hộ nuôi nhiều từ 1000m đến1,5ha, hộ nuôi ít cũng có vài trăm m2. Hiện tại, xã Bản Giang có hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản với nhiều chủng loại cá như trắm cỏ, trôi, chép, mè, rô phi đơn tính…Không ít hộ nuôi cá có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, đời sống được cải thiện đáng kể.
Tuy lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Bản Giang phát triển là vậy, song bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền địa phương luôn xác định cân đối trong cơ cấu kinh tế nhất là vấn đề an ninh lương thực cũng rất quan trọng nên trong thời gian tới xã cam kết không chuyển đổi, mở rộng thêm diện tích nuôi trồng thủy sản mà chú trọng vào việc nuôi các giống cá có năng xuất và chất lượng cao được thị trường ưa chuộng, đảm bảo hai mục tiêu đó là: Diện tích cây lương thực không giảm mà gia trị kinh tế từ nuôi trồng thủy sản ngày một tăng lên.
Qua thực tế cho thấy, sự phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản ở Bản Giang những năm gần đây đã khẳng định sự đúng hướng trong công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản để tạo thêm sức mạnh cho phát triển KT-XH của địa phương.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn //midevit.com là vi phạm bản quyền