Chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hội viên luôn là nhiệm vụ được Hội LHPN xã Hồ Thầu quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hình thức và mang lại kết quả khả quan. Trong đó, Hội huy động các nguồn lực hỗ trợ chị em khởi nghiệp, vay vốn tín dụng chính sách, hỗ trợ các mô hình sinh kế, tạo việc làm… tạo điều kiện để chị em phụ nữ phát huy vai trò trong việc phát triển kinh tế nâng cao thu nhập.
Gia đình chị Hoàng Thị Quây ở bản Rừng Ổi Khèo Thầu, trước đây cuộc sống khá khó khăn phải đi làm công nhân ở Đồng Nai, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, cuộc sống của công nhân cũng bấp bênh nên chị quyết định ở nhà để phát triển kinh tế gia đình, chị đã tận dụng đất đai chuyển đổi sang trồng dong riềng và Chanh leo, ngoài ra gia đình chị còn chăn nuôi thêm gia súc, làm thêm nghề truyền thống may mặc trang phục dân tộc, làm mũ đuôi ngựa. Từ việc chuyển đổi đó đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định, đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Chị Quây chia sẻ. Trước đây, bản thân tôi chỉ ở nhà trồng trọt thu nhập thấp. Sau đó thấy nhiều chị em đi làm Công ty có thu nhập ổn định tôi cũng quyết định đi làm Công ty, nói chung thu nhập cũng khá nhưng do xa gia đình phải chi tiêu nhiều thứ nên không tích lũy được bao nhiêu. Nên tôi quyết định về quê sinh sống và lập nghiệp, từ khi về nhà tôi đã chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng Chanh leo, dong riềng. Thời gian rảnh rỗi tôi cũng làm thêm nghề may trang phục dân tộc. Từ đó tôi thấy cuốc sống hiện tại ổn định hơn trước khá nhiều.
Ngoài trồng trọt, chăn nuôi chị Hoàng Thị Quây còn có thêm từ nghề may trang phục dân tộc Dao.
Còn đối với gia đình chị Lù Thị Tròn cũng ở bản Rừng Ổi Khèo Thầu cuộc sống cũng khó khăn nên cả 2 vợ chồng đi làm công nhân ở Bắc Ninh được 3 năm, bắt đầu từ năm 2019 đến năm 2022, khi tích góp được một chút vốn, cả 2 vợ chồng quyết định về phát triển kinh tế gia đình trên mảnh đất quê hương. Với hơn 7.000m đất nông nghiệp chỉ trồng lúa mỗi năm thu hoạch được khoảng 50 - 60 bao thóc, thu nhập không cao, chi đã quyết tâm chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng bằng việc đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế ở trong và ngoài huyện. Trên cơ sở tiềm năng sẵn có của đất đai, sau khi tham quan mô hình trồng ớt ở Tân Uyên, chị quyết định liên kết với doanh nghiệp và chuyển đổi hết diện tích đất lúa của gia đình trồng ớt, tham gia mô hình liên kết này chị thấy khá hiệu quả so với trồng lúa. Bởi mặc dù ớt trồng ớt mới được hơn nửa năm nhưng đã đem lại thu nhập cho gia đình chị được 80 triệu, trừ chi phí cũng được khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra chị còn mở thêm quán ăn để tăng thu nhập cho gia đình. Chị Tròn tâm sự: Khi đi làm Công ty ở dưới xuôi dù có thu nhập hàng tháng ổn định nhưng do không có đất làm ăn dù có thu nhập khá nhưng phải chi tiêu rất nhiều thứ từ thuê nhà cho đến sinh hoạt hàng ngày, nên cũng không dư giả nhiều. Sau 3 năm đi làm tôi cũng đã cố gắng tiết kiệm được chút vốn về nhà khởi nghiệp. Từ khi mình về mình đã đi thăm quan, học hỏi rất nhiểu mô hình, mình quyết định liên kết với doanh nghiệp trồng ớt. Mình thấy mô hình trồng ớt này hiệu quả hơn trồng lúa khá nhiều, thời gian tới mình sẽ vẫn tiếp tục duy trì mô hình ớt để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Lù Thị Tròn phát triển kinh tế từ mô hình liên kết trồng ớt
Theo thống kê hiện Hội LHPN xã Hồ Thầu có 695 hội viên, sinh hoạt ở 8 chi hội. Những năm qua, Hội LHPN xã đã triển khai nhiều giải pháp giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo. Trong đó, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vận dụng sáng tạo để có nguồn lực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xây dựng mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo. Hằng năm, Hội LHPN xã chỉ đạo các cơ sở hội khảo sát, đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên nghèo và tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Hội đặc biệt quan tâm đến những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, giúp chị em được học nghề, tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Song song với việc hỗ trợ hội viên thoát nghèo, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế được Hội LHPN xã quan tâm thực hiện bằng những giải pháp cụ thể như: xây dựng kế hoạch để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và đăng ký sản phẩm khởi nghiệp, hỗ trợ tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hội cũng thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề, tư vấn việc làm... tạo điều kiện giúp chị em phấn đấu vươn lên.
Ngoài phát triển kinh tế từ trồng trọt, nhiều chị em còn phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi.
Trao đổi với chúng tôi chị Phàn Thị Căm - Chủ tịch Hội LHPN xã Hồ Thầu cho biết: Để giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Hội LHPN xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát động đến các chi hội xây dựng quỹ hội để giúp chị em nghèo vay vốn, hỗ trợ ngày công lao động, cây con giống, đặc biệt Hội LHPN xã cũng tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện giúp chị em được tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã cũng đã phối hợp với UBND xã, các cơ quan, ban ngành huyện mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề giúp chị em tiếp thu những kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất…. Nhờ đó, đến nay nhiều hội viên, phụ nữ có kinh tế khá góp phần giảm tỷ lệ hội viên nghèo.
Với những hoạt động thiết thực của Hội LHPN xã trong hỗ trợ hội viên, phụ nữ, nhiều hội viên đã phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương vươn lên thoát nghèo. Nhiều chị em đã tự tin phát huy kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng vào thực tế sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hoàng Cường