Ngay sau khi học xong THPT, với niềm đam mê trồng hoa, Lò Văn Hưng đã khăn gói tới Sa Pa để vừa làm thuê vừa học hỏi kĩ thuật trồng hoa của các chủ vườn ở đây. Sau 3 năm, trở về quê hương, Hưng nhận thấy điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây thích hợp cho việc trồng hoa. Chính vì vậy năm 2017, anh đã quyết định thuê gần 1 ha đất của người dân trong bản với giá 10 triệu đồng/năm để trồng hoa cúc.
Năm đầu tiên thực hiện với số vốn còn hạn chế, nên Hưng chỉ tiến hành trồng 5 vạn khóm hoa cúc. Bằng sự cần cù chịu khó cộng với những kiến thức và kĩ thuật đã được học, anh đã áp dụng để chăm sóc cho vườn hoa của gia đình, nhờ đó vườn hoa của anh trồng phát triển tốt và sớm đã có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Năm 2018, Hưng tiếp tục mở rộng diện tích và tăng số lượng khóm lên 15 vạn khóm cúc, với giá bình quân bán đổ cho khách hàng từ 2-3 nghìn đồng/bông thì cứ một vụ khoảng gần 4 tháng đã cho thu lãi trên 100 triệu đồng, trong khi thời tiết thuận lợi có thể trồng được 3 vụ hoa trong một năm.
Thanh niên Lò Văn Hưng (bên trái) đang chăm sóc vườn hoa của mình
Theo anh Hưng: cách trồng và chăm sóc hoa cúc không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải kiên trì, tỷ mỷ từ cách làm đất, bón phân, đến phòng trừ sâu bệnh. Cũng theo anh, đất trồng hoa phải giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp và phải có hệ thống tưới tiêu tốt vì nếu bị ngập úng cúc sẽ chết, đồng nghĩa với việc trắng tay…
Ngoài việc xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, Lò Văn Hưng còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đồng thời luôn phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và làm theo lời Bác dạy các thế hệ thanh niên Việt Nam.
Với tinh thần xung kích đi đầu cộng với sự cần cù chịu khó trong lao động và sáng tạo, Lò Văn Hưng đã vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình. Trong thời gian tới thanh niên Lò Văn Hưng tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa và đưa thêm các loại hoa khác vào trồng để nâng cao thu nhập.
Trọng Hoản
Ý kiến bạn đọc