Trong vòng 4 tháng dịch Tả lợn Châu Phi xuất hiện ở xã Bản Bo khiến 19 hộ chăn nuôi ở 3 bản Phiêng Pẳng, Hưng Phong và Hợp Nhất bị ảnh hưởng với 53 con lợn bị tiêu hủy, tổng trọng lượng gần 3,3 tấn. Đến nay, bệnh dịch đã được khống chế và huyện đã công bố hết dịch trên địa bàn. Nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn do lo sợ dịch có thể tái phát cùng một số nguyên nhân khác.
Gia đình anh Tao Văn Bun ở bản Phiêng Pẳng có 6 ô chuồng nuôi, trước khi chưa có dịch gia đình anh thường xuyên nuôi từ 30 đến 40 con lơn 1 lứa, đến thời điểm tháng 7/2019, gia đình anh có lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi nên phải tiêu hủy toàn bộ 26 con. Đến nay, mặc dù giá thịt lợn trên địa bàn tăng cao nhưng gia đình chỉ dám cầm chừng với 1 con lợn nái và gần chục con lợn con, chưa dám nuôi nhiều vì lo sợ dịch bệnh có thể tái phát quay trở lại. Mặt khác, thời điểm này giá lợn giống quá cao, gia đình chưa đủ điều kiện để tái đàn như trước.
Cũng như anh Bun, cuối tháng 8/2019 gia đình anh Nùng Văn Hển ở bản Hợp Nhất phải tiêu hủy 4 con lợn do bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù trên địa bàn xã đã được công bố hết dịch nhưng gia đình anh chỉ dám nuôi lại 2 con. Bởi vẫn còn nhiều khó khăn khi lợn giống cao và tâm lý e ngại nếu tái đàn với số lượng lớn, trong khi điều kiện chăn nuôi chưa thực sự ổn định và nếu dịch bệnh tái phát lại có thể gây thiệt hại cho kinh tế của gia đình. Do điều kiện khó khăn nên những ô chuồng của anh Tao Văn Bun ở bản Phiêng Pẳng giờ để trống sau dịch Tả Lợn Châu Phi.
Theo tìm hiểu, trên địa bàn xã Bản Bo, nhiều hộ chăn nuôi vẫn dè dặt trong việc tái đàn. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung con giống khan hiếm, giá giống cao, giao động từ 200.000 đến 250.000 đồng/kg, do vậy người chăn nuôi chủ yếu sử dụng con giống tị chỗ, vì thế mà tổng đàn tăng chậm, một số hộ chăn nuôi lớn thì cố gắng phòng dịch để giữ ổn định đàn lợn tại thời điểm này. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ gia đình trên địa bàn xã chỉ dừng ở mức chăn nuôi nhỏ lẻ, việc quy hoạch và vệ sinh chuồng trại chưa thực sự đảm bảo, nếu tái đàn trở lại nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Theo thống kê trước khi bị dịch Tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Bản Bo có tổng đàn lợn trên 2.300 con, tuy nhiên đến tháng 6 năm 2020, toàn xã chỉ còn lại 1.960 con, giảm 340 con.
Trao đổi với chúng tôi ông Đèo Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết: Bản Bo cũng được coi là một trong những xã có số hộ chăn nuôi khá lớn của huyện. Sau khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn xã đến nay khiến tâm lý của người dân vẫn còn e ngại và chưa dám tái đàn trở lại, mặc dù chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tái đàn nhưng phải đảm bảo các yếu tố như: Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, đặc biệt nếu tái đàn phải mua con giống có nguồn gốc. Tuy nhiên, đến nay đa phần người dân vẫn chưa tái đàn bởi giá con giống, thức ăn chăn nuôi khá cao, nhiều hộ gia đình không có điều kiện để tái đàn.
Để khuyến khích người dân tái đàn trở lại, hiện nay các cơ quan chuyên môn của huyện và xã đang tích cực hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng dịch, tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đối với gia trại, trang trại có quy mô lớn cần tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo an toàn, đồng thời khuyến khích sử dụng con giống tại địa phương, nếu nhập con giống từ bên ngoài thì phải bảo đảm nguồn giống sạch, có nguồn gốc rõ ràng, không mua con giống trôi nổi trên thị trường. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh để đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn nhằm khôi phục đàn lợn, góp phần ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn.
Hoàng Cường