Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên giá trị sản phẩm chè ở xã Bản Bo được nâng lên rõ rệt, người dân đang từng bước thoát nghèo. Cây chè đã và đang trở thành cây trồng mũi nhọn đem lại cuộc sống no ấm, ổn định cho người dân nơi đây.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bản Bo nhiệm kỳ 2015 – 2020, đề ra mục tiêu đưa cây chè trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện chủ trương này, hàng năm trên cơ sở kế hoạch giao chỉ tiêu trồng chè hàng năm của huyện, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã ban hành quyết định giao chỉ tiêu cho các bản và tổ chức nhân dân đăng ký diện tích trồng chè.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân về giá trị kinh tế từ cây chè mang lại; công khai chế độ chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đối với việc thâm cạnh phát triển cây chè; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật làm đất, trồng và chăm sóc cây chè cho bàn con nông dân, nhờ đó nhân dân đã tích cực chuyển đổi những diện tích nương đồi canh tác kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao. Đến nay, xã Bản Bo có trên 538 ha chè ở 16 bản, trong đó: diện tích chè mới trồng 79,3 ha; chè trong giai đoạn kiến thiết cơ bản168,4 ha và 290,3 ha chè kinh doanh. Sản lượng chè búp tươi năm 2018, đạt 1.799, 8 tấn. Để tạo đầu ra cho cây chè, địa phương đã chú trọng liên doanh, liên kết với các Công ty thu mua chè với giá cả ổn định, tăng cường sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap, từ đó đã mang lai thu nhập cao cho người dân trồng chè.
Người dân Bản Bo thu hái chè xuân
Những năm trước đây, bà con bản Cò Nọt mông chỉ biết phá rừng, đốt nương, làm rẫy, nên cái đói, cái nghèo đeo bám họ quanh năm, suốt tháng. Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự đầu tư của Nhà nước, người Mông ở đây đã biết thâm canh cây chè chất lượng cao, diện tích chè của bản ngày càng tăng, đến nay toàn bản đã có 23 ha chè. Nhờ cây chè, đói nghèo đang lùi xa và ấm no đang về với họ. Ông Giàng A Páo – Bí thư chi bộ bản Cò Nọt Mông, xã Bản Bo phấn khởi nói: Nhờ thu nhập từ cây chè, dân bản đã hết đói khổ rồi, người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa và nuôi con cái ăn học.
Bên cạnh việc mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu chè, việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chè cũng được địa phương quan tâm. Từ năm 2016, nhân dân đã hiến 10 ha đất để mở 25 km đường nội đồng vùng chè. Những con đường này đã tạo thuận lợi cho bà con nông dân trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch chè.
Ông Lò Văn Khum – Bản Nà Can, xã Bản Bo chia sẻ: Nhờ sự đầu tư của Nhà nước mở đường nội đồng vùng chè, giờ đây người làm chè không còn vất vả như trước nữa. Việc đi lại, vận chuyển chè búp tươi hay phân bón đã thuận tiện hơn ngày trước nhiều lắm.
Từ một nghị quyết đúng, hợp với lòng dân, cây chè giờ đây đã đứng vững trên vùng đất đồi và là cây phát triển kinh tế chủ lực của xã Bản Bo. Nhiều gia đình trồng chè ở Hưng Phong, Nà Ly, Cốc Phát… có nguồn thu từ chè đạt trên 100 triệu đồng một năm.Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh, thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người/năm, xã duy trì và giữ vững 19 tiêu chí xây dựng NTM. Nhờ có nguồn thu từ cây chè đã giúp cho bà con nông dân ổn định cuộc sống và ngày càng gắn bó hơn với cây chè.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trong Thịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết: “Trong thời gian tới, xã Bản Bo vẫn xác định rõ cây chè là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Do vậy chúng tôi tiếp tục tuyên truyền nhân dân chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng chè, chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, thu hái để nâng cao năng xuất, chất lượng của chè, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè”
Hiệu quả kinh tế từ cây chè đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển đổi kinh tế của xã Bản Bo. Cây chè đã thực sự góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn //midevit.com là vi phạm bản quyền