1. Đặc điểm, triệu chứng của bệnh tai xanh Bệnh tai xanh trên đàn lợn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với lợn do virus gây ra, song bệnh lợn tai xanh không lây truyền sang các gia súc khác và người. Bệnh lợn tai xanh được phát hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1987. Năm 1997, bệnh lây lan vào Việt Nam trên đàn lợn giống nhập từ Mỹ về.
Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất việc lợn bị mắc bệnh tai xanh bà con chăn nuôi cần áp dụng kỹ các quy trình phòng bệnh sẽ giảm khả năng bùng phát dịch lợn tai xanh.
Triệu chứng đối với lợn các thời kỳ khi mắc bệnh:
- Đối với lợn nái: Khi bị bệnh tai xanh thường có các biểu hiện như: sảy thai vào giai đoạn cuối, thai chết lưu ở giai đoạn hai hoặc lợn sơ sinh bị chết yểu. Khi lợn nái bị bệnh sốt cao 40 - 42 độ C, viêm phổi nặng, ỉa chảy, tai chuyển từ màu hồng đỏ sang đỏ thẫm, xanh đến tím đen và dẫn đến tử vong. Lợn nái đang mang thai, nuôi con còn có biểu hiện lười uống nước, mất sữa, viêm vú, da biến màu, đẻ sớm...
- Đối với lợn con: Khi mắc bệnh tai xanh thể trạng yếu, khó bú, mắt có gèn màu nâu, da có nhiều vết phồng, bị tiêu chảy nhiều, ủ rũ, viêm phổi và khả năng chết rất cao.
- Đối với lợn đang thời kỳ lớn hoặc lợn thịt: Khi bị bệnh sẽ sốt cao trên 40 độ C, biếng ăn, ủ rũ, ho, khó thở, những phần da mỏng gần tai, bụng lúc đầu màu hồng nhạt dần dần chuyển màu hồng thẫm và tím nhạt.
- Đối với lợn đực giống: Sẽ bị bệnh tai xanh thường sốt, bỏ ăn, đờ đẫn hoặc hôn mê, giảm hưng phấn, mất tính dục, lượng tinh dịch ít. Lợn ở các lứa tuổi đều có thể nhiễm virus và mắc bệnh tai xanh, tuy nhiên heo con và heo nái mang thai dễ mắc bệnh và chết hơn. Hiện nay, bệnh lợn tai xanh đã phát triển thành động lực cao nên nếu không phát hiện, xử lý kịp thời rất dễ lây lan và gây hàng loạt.
Hình ảnh lợn đang trong thời kỳ lớn bị mắc bệnh tai xanh.
2. Điều kiện để bệnh lây lan - Virus có trong dịch mũi, nước bọt, tinh dịch, phân, nước tiểu và phát tán ra môi trường. Ở Lợn mẹ mang thai, virus có thể lây nhiễm qua bào thai ở giữa thai kỳ trở đi và virus cũng được bài thải qua nước bọt và sữa. Lợn trưởng thành có thể bài thải virus trong 14 ngày, còn lợn con, lợn thời kỳ đang lớn bài thải virus kéo dài 1 - 2 tháng.
- Virus có khả năng phân tán thông qua các hình thức: vận chuyển lợn mang bệnh (virus có thể theo gió đi xa đến 3 km), bụi, nước bọt, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động bị nhiễm bệnh, thụ tinh nhân tạo, do một số loại chim hoang.
Thường xuyên vệ sinh và tiêu độc khử trùng xung quang chuồng trại chăn nuôi.
3. Các biện pháp phòng dịch heo tai xanh - Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh lợn tai xanh, vì thế các phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là sự chủ động phòng bệnh của các hộ chăn nuôi. Trong đó, cần đặc biệt tăng cường công tác giám sát đến các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi để phát hiện kịp thời lợn bệnh có triệu chứng tai xanh, tiến hành tiêu hủy ngay không chờ kết quả xét nghiệm, đồng thời lấy mẫu lợn bệnh gửi xét nghiệm trước khi tiêu hủy, nếu không tiêu hủy kịp thời sẽ khiến toàn bộ lợn ở các khu vực lân cận nhiễm bệnh khiến thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi là rất lớn.
- Thiết lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông chính gồm lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y hoạt động 24 giờ trong ngày để kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn đưa vào địa phương. Tiêu hủy và xử phạt nặng các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép, nhất là lợn bị bệnh ra khỏi vùng dịch.
- Giao trách nhiệm giám sát, phát hiện và báo bệnh cho chính quyền cấp xã, đồng thời huy động các đoàn thể phối hợp với ngành nông nghiệp để theo dõi dịch bệnh trên đàn lợn tới từng hộ chăn nuôi, tránh tình trạng giấu dịch bán chạy lợn mắc bệnh. Bên cạnh đó, người chăn nuôi không được vứt xác lợn chết bừa bãi ra sông, suối làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Các hộ chăn nuôi lợn cần thường xuyên tiêm phòng cho đàn lợn.
- Chuồng trại chăn nuôi lợn phải đảm bảo vệ sinh thú y, thoáng mát, che nắng, che mưa. Bà con chú ý quét dọn, tiêu độc khử trùng bằng hóa chất thông dụng như: vôi bột, Bencocid, Lodine, CloraminB... Đồng thời, chăm sóc tốt cho đàn lợn để nâng cao sức đề kháng, đặc biệt lợn giống mới mua về phải rõ nguồn gốc và cách ly 2-3 tuần trước khi nhập đàn. Ngoài ra, bà con chăn nuôi cũng cần tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh cho đàn lợn. Nếu có điều kiện, người nuôi nên thực hiện quy trình "cùng nhập - cùng xuất" ở mỗi dãy chuồng. Hạn chế người ra vào trại nuôi lợn, thường xuyên diệt các loại côn trùng trong và xung quanh trại. Các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, nước uống phải được sát trùng cẩn thận. Trước mỗi dãy chuồng nuôi phải có hố nhúng chân sát trùng.
- Tuy chưa có kháng sinh đặc trị bệnh lợn tai xanh, song người chăn nuôi có thể dùng kháng sinh hạn chế bội nhiễm các bệnh vi khuẩn sẽ phòng ngừa bệnh tai xanh. Nên định kỳ trộn kháng sinh vào thức ăn cho lợn để tiêu diệt mầm bệnh vi khuẩn, giúp ngăn chặn bệnh hô hấp, đồng thời giảm tổn thương phổi do virus PRRS.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn //midevit.com là vi phạm bản quyền