Theo chân cán bộ dân số của xã Tả Lèng, chúng tôi đến thăm gia đình em Hảng A Páo và Vàng Thị Măng, bản Pho Xin Chải, vừa kết hôn vào đầu năm 2017. Ngồi bên hiên nhà, Páo kể cho chúng tôi nghe về cuộc hôn nhân của mình. Một lần đi chơi cùng đám bạn trong bản, gặp Măng thấy ưng “cái bụng” nên bảo bố mẹ sang dạm hỏi để cưới Măng về làm vợ. Khi lấy chồng Măng mới 13 tuổi và đang là học sinh lớp 8 trường xã. Bước về nhà chồng, em mới thấm thía những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Hàng ngày, em phải dậy từ 4 giờ sáng lo chuyện cơm nước, giặt giũ cho cả gia đình, rồi mới bắt đầu đi làm nương rẫy, buổi tối trở về nhà lại tất bật với đủ mọi việc tới khuya mới được đi ngủ. Măng chia sẻ: Cuộc sống ở nhà chồng vất vả lắm, chẳng có thời gian đi chơi nếu được lựa chọn lại em sẽ không lấy chồng sớm, mà quyết tâm đi học để cuộc sống sau này đỡ vất vả. Đến thăm gia đình vợ chồng anh Giàng A Lâu và chị Thào Thị Mẩy bản Háng Là. Trong ngôi nhà tềnh tuàng, anh Lâu kể: Vợ chồng anh kết hôn từ năm 2014 khi anh 16 tuổi còn chị 15 tuổi. Mới kết hôn được 3 năm nhưng vợ chồng Lâu đã có 2 đứa con. Những đứa trẻ không được chăm sóc nên bị suy dinh dưỡng, còi cọc và thường xuyên ốm đau. Cùng với đó, ruộng nương ít lại thiếu kinh nghiệm sản xuất, nên 2 vợ chồng Lâu vẫn quẩn quanh trong cái vòng đói nghèo
Cán bộ dân số xã Tả Lèng tuyên truyền về tảo hôn và kết hôn cận huyết thống
Xã Tả Lèng có 789 hộ, trên 4.300 nhân khẩu, trên 95% là đồng bào dân tộc Mông. Năm 2016, toàn xã có 6 cặp tảo hôn, thì riêng 9 tháng đầu năm 2017 đã có 8 cặp vợ chồng tảo hôn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới nạn tảo hôn trong con em đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, như trình độ dân trí thấp, các em thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, về cuộc sống hôn nhân gia đình, nhiều trường hợp có chồng, có vợ sớm vì chỉ muốn có thêm người lao động trong gia đình. Điều đáng nói là trong các bản vẫn còn xảy ra tình trạng nhiều trường hợp hai gia đình tự cho con cái về ở với nhau. Có cặp vợ chồng trẻ chưa đủ tuổi kết hôn nên không khai báo với chính quyền địa phương xin đăng ký kết hôn Những đôi vợ chồng đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì họ không nghề nghiệp, không đất đai, không có kiến thức về sức khỏe sinh sản. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của Tả Lèng cao nhất huyện, chiếm trên 65,44%. Ông Giàng A Sình – Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết: Những năm gần đây Cấp ủy, chính quyền xã cùng với các đoàn thể đến các hộ gia đình tuyên truyền để bà con hiểu được hậu quả của việc kết hôn sớm, vận động các thanh niên kết hôn đúng độ tuổi, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Thông qua tuyên truyền đã góp phần giảm tỷ lệ tảo hôn, tuy nhiên tình trạng này lại tiếp tục gia tăng vào năm na Thiết nghĩ, việc tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức cho đồng bào các dân tộc địa phương nơi đây rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, góp phần hạn chế mức thấp nhất vấn nạn tảo hôn ở Tả Lèng./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn //midevit.com là vi phạm bản quyền