Trong dịp đi lên bản Cò Nọt Mông, đây là bản nằm ở cao nhất của xã Bản Bo với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tầm tuổi từ 6 đến 12 hoặc các em nhỏ hơn với nước da đen nhẻm, đang tụ tập vui chơi ở những nương chè, hay túm năm tụm ba ở dưới các dãnh nước. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Bản hiện có khoảng hơn hai chục em nhỏ, những ngày hè đối với các em tuổi từ 8 đến 12 đều phải ở nhà phụ giúp cha mẹ lấy củi, chăn trâu hoặc đến mùa vụ lại cùng với gia đình đi cấy, nói là mấy tháng hè nhưng đây gần như trở thành những ngày các em tranh thủ lao động, phụ giúp kinh tế cho gia đình chứ nói gì đến việc được vui chơi như các em ở những khu vực đồng bằng hay thành thị. Anh Giàng A Phỏng - Bản Cò Nọt Mông - xã Bản Bo cho biết: Nói chung ở trên bản này không có chỗ nào để chơi cả, ngày hè các cháu từ tuổi 8 đến 10 tuổi đã phải phụ giúp bố mẹ chăn trâu, lấy củi, hái rau lợn, ở bản này chỉ có mỗi lớp mầm non ở bản mới có đồ chơi cho các cháu nhưng dịp hè này tất cả đồ chơi đều để trong lớp học và khóa cửa nên chỉ khi nào đến thời gian học các cháu mới được chơi thôi.
Nếu như những ngày này trẻ em ở đồng bằng hay phố thị được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các lớp bồi dưỡng năng khiếu, đi du lịch cũng gia đình hay đến các khu vui chơi, giải trí, thì sân chơi trong những ngày hè là điều quá xa vời đối với trẻ em vùng cao. Tiếp tục đi đến bản Chu Va 12 của xã Sơn Bình giữa trưa hè nắng như đổ lửa, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ đang mải mê vừa vui chơi vừa chăn trâu ở dọc các sườn núi. Bắt chuyện với em Giàng Thị Ca năm nay 13 tuổi nhưng nhìn em như đứa trẻ lên 10, em cho biết: Hè năm nào em cũng đi chăn trâu, lấy củi và nấu cơm để phụ giúp gia đình chứ không có thời gian nào để đi chơi. Đặc biệt khi hỏi đến ước mơ của em trong những ngày hè này thì chúng tôi thật bất ngờ bởi câu trả lời của em là chỉ mong muốn được giúp bố mẹ chứ không mong gì hơn.
Em Giàng Thị Ca - bản Chu Va 12 đang giúp bố mẹ chăn trâu trong những ngày hè.
Thiếu sân chơi bổ ích, phù hợp với lứa tuổi, trẻ em thường nghĩ ra những trò chơi cho riêng mình. Khi thì leo cây, lúc thì rủ nhau đi tắm tại các sông suối hoặc tụ tập nhau ra đường chơi… tiềm ẩn nguy cơ đuối nước và tai nạn thương tích cho các em. Là xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, dịp hè Sơn Bình cũng như các địa phương khác cũng gặp phải không ít khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động cho các em thiếu nhi: Bởi các em thường xuyên phải phụ giúp gia đình, nếu không phải phụ giúp gia đình thì cũng tụ tập tắm sông, tắm suối cho nên năm 2015 trên địa bàn xã đã có 25 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó thương tâm hơn cả là có đến 2 em bị chết bởi đuối nước. Trao đổi với chúng tôi anh Vàng A Tắng - Bí thư đoàn xã Sơn Bình. Cho biết: Sơn Bình là xã vùng cao có đường quốc lộ 4D chạy qua và nhiều sông suối, ngày hè chúng tôi không thể tập chung các em lại được. Năm nay, ngay từ đầu năm dưới sự chỉ đạo của xã chúng tôi đã tập chung tuyên truyền tới các bản và các bậc cha mẹ học sinh phải quan tâm hơn nữa tới các em, không để trẻ ra tắm suối, nhưng thật sự là rất khó khăn bởi các phụ huynh thường phải đi làm chỉ có trẻ nhỏ ở nhà nên rất khó quản lý. Chúng tôi chỉ mong muốn các cấp, cac ngành quan tâm hơn nữa để chúng tôi có thể tạo được các hoạt động vui chơi cho trẻ em trong dịp hè, hạn chế tới mức thấp nhất việc sảy ra tai nạn thương tích đối với trẻ em.
Nguy cơ đuối nước rất cao khi trẻ tắm sông, suối.
Với điều kiện địa hình chia cắt, hiểm trở nhiều thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, nhiều sông suối, dân cư sinh sống không tập chung, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc tập hợp, duy trì tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở đây rất khó khăn. Các cơ sở cũng như các ban ngành chỉ mới tập chung được vào công tác tuyên truyền chứ chưa tạo được sân chơi đúng nghĩa cho trẻ em. Theo như số liệu từ Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện cho thấy: Năm 2015 toàn huyện có 57 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có 4 em chết do đuối nước, 3 trẻ chết bởi tai nạn giao thông và 50 trẻ bị tai nạn thương tích khác. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, trong số 19.041 trẻ em từ 16 tuổi đổ xuống thì đã có 15 trẻ bị tai nạn thương tích và 1 trẻ chết do đuối nước, đây thực sự là một con số đáng để chúng ta phải say nghĩ. Trao đổi với chúng tôi anh Đào Trọng Linh - Bí thư huyện đoàn cho biết: Chuẩn bị đến dịp hè chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở đoàn phối hợp với các thôn bản tiếp nhận các em học sinh để tổ chức sinh hoạt hè cho các em, nhưng thực sự là rất khó bởi lực lượng Đoàn, Đội còn “mỏng” cũng khiến việc tập trung, dẫn dắt các em vào hoạt động tập thể gặp nhiều trở ngại. Cộng với những khó khăn về kinh phí nên chỉ có thể tổ chức được một số hoạt động cho các em vào các dịp lễ như Ngày Quốc tế Thiếu nhi hay rằm Trung thu mà thôi, còn ngày hè cơ sở vật chất và điểm vui chơi cho trẻ là gần như không có, chủ yếu là các sân chơi tự phát do chính các em tạo ra. Cho nên trước mắt chúng tôi chỉ tăng cường công tác tuyên truyền nhất là phòng tránh tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước cho trẻ trong dịp hè để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các em. Chúng tôi cũng rất mong muốn các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cần vào cuộc tích cực hơn nữa và dành nguồn kinh phí để tạo sân chơi bổ ích cho các em trong dịp hè.
Không có chỗ chơi các em phải theo mẹ ra đồng.
Việc tạo ra những hoạt động tập thể cũng như sân chơi bổ ích vào những ngày hè cho trẻ ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số là việc rất cần thiết, rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng nhằm tạo cho trẻ nhỏ được vui chơi thỏa thích, mà còn là cơ hội để các em học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và mạnh dạn hơn thông qua các hoạt động tập thể. Tạo điều kiện để cho các em có được sự phát triển toàn diện và là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước sau này, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể sảy ra cho trẻ bởi vì thiếu sân chơi cho trẻ trong những ngày hè.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn //midevit.com là vi phạm bản quyền