Bản Khèo Thầu hiện có 23 hộ, trên 120 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, cả bản có 21 cặp vợ chồng trong lứa tuổi sinh đẻ. Những năm trước, do nhận thức người dân còn hạn chế, vấn đề sinh con trai để nối dõi tông đường vẫn còn tồn tại, nhiều cặp cặp vợ chồng trong bản sinh con thứ 3, thứ 4.
Để khắc phục tình trạng này, Chi bộ bản Khèo Thầu xác định việc đầu tiên phải làm là phối hợp với các đoàn thể: phụ nữ, nông dân, thanh niên… đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), đồng thời tiến hành xây dựng các hương ước, quy ước của bản về công tác dân số.
Anh Phàn Tiến Ly, Bí thư chi bộ bản Khèo Thầu cho biết “Những năm qua công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chính sách về DS - KHHGĐ đã được bản đẩy mạnh thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, họp bản, sinh hoạt cộng đồng và trên hệ thống truyền thanh…”
Cấp ủy, chính quyền bản Khèo Thầu phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền chính sách DS/KHHGĐ đến nhân dân.
Bên cạnh đó, Chi hội phụ nữ bản phối hợp với cộng tác viên dân số thường xuyên đến từng gia đình, gặp gỡ các cặp vợ chồng để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, phân tích những hệ lụy không đáng có của việc đẻ nhiều, đẻ dày và cung cấp các tài liệu, dụng cụ hướng dẫn sử dụng các biện pháp trách thai hiện đại phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã dần thấy được cái lợi, cái hại khi sinh đẻ nhiều con và đồng tâm với chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách dân số, trong đó có nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề là gái đã tự nguyện thực hiện mô hình "gia đình hai con" no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Gia đình anh Phàn A Páo và chị Phàn Thị Thu, bản Khèo Thầu có hai con gái, đứa lớn học lớp 4, nhỏ mới học lớp mẫu giáo, nhưng anh chị đã tự nguyện ký cam kết với bản không sinh thêm con. Chị Thu chia sẻ: Cũng có nhiều người bảo sinh thêm con trai để nối dõi tông đường, nhưng vợ chồng mình quyết định không sinh nữa, để có thời gian tập trung phát triển kinh tế, chăm sóc con cái cho tốt”
Dừng lại ở 2 con, anh chị dành thời gian tập trung phát kinh tế gia đình, hiện mỗi năm anh xuất chuồng trên 30 con lợn thịt, nuôi 3 con trâu sinh sản, canh tác trên 2 ha ruộng, nương…Nhờ vậy mỗi năm gia đình anh chị thu nhập trên 100 triệu đồng và trở thành hộ khá giả ở bản. Từ đó, anh chị có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang và nuôi con cái ăn học.
Không chỉ có vợ chồng anh Páo, mà giờ đây nhiều cặp vợ chồng ở bản Khèo Thầu không còn quan niệm có con trai để nối dõi tông đường, "có nếp, có tẻ". Mọi người dân đều tự nguyện thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch, trẻ em sinh ra dù gái hay trai đều được gia đình tôn trọng và được chăm sóc, giáo dục bình đẳng. Cuộc sống của người dân thay đổi từng ngày, thu nhập bình quân đầu người, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao.
Kinh tế phát triển, chuyện học hành của con em cũng được người dân Khèo Thầu quan tâm, 100% con em trong độ tuổi được đến trường, bản không có tình trạng học sinh bỏ học, nhiều cháu đang được theo học tại các trường Cao đẳng, Đại học.
Giữ vững được kết quả 10 năm không có người sinh con thứ 3, đời sống của người dân bản có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. hàng năm bản có trên 80% gia đình đạt gia đình văn hóa, bản nhiều năm liền đạt bản làng văn hóa, đây là tiền đề để người dân bản Khèo Thầu tiếp tục vươn lên xây dựng đời sống ngày càng no ấm, bình đẳng và tiến bộ.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn //midevit.com là vi phạm bản quyền