Trong dịp đến công tác tại xã vùng cao Tả Lèng, được nghe kể về bản San Cha Mán đã nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3, điều đặc biệt là nơi đây người dân phần lớn là đồng bào dân tộc Mông, Dao cùng sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn, chuyện sinh nhiều con là điều bình thường đối với bà con dân tộc ở vùng cao, nhưng khi được nghe câu chuyện trên chúng tôi nhất định phải lên đến nơi xem điều gì đã làm người dân ở đây thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình như vậy.
Đến với gia đình Chị Phàn Xà Đánh, là một trong những hộ gia đình sinh con một bề tại bản, năm nay mới 26 tuổi nhưng chị đã có 2 người con đứa lớn được 8 tuổi, đứa nhỏ mới lên 4, mặc dù cả 2 con đều là con gái nhưng anh chị nhất quyết không đẻ thêm nữa để có thời gian và điều kiện phát triển kinh tế và cho con được ăn học đầy đủ. Tâm sự với chúng tôi chị Phàn Xà Đánh cho rằng: Bây giờ con trai hay con gái đều là con mình cả, dù cả hai con mình đều là con gái nhưng mình sẽ không sinh thêm nữa để có thời gian chăm sóc và lo cho con cái được ăn học đầy đủ là được rồi.
Chị cũng có điều kiện để dạy bảo con cái.
Cùng chung suy nghĩ với vợ mình anh Phàn A Tảnh cho rằng: Không nhất thiết phải có con trai, bởi vì thời buổi ngày nay không giống như thời cha ông ngày xưa nữa, nếu đẻ nhiều con thì không có thời gian và điều kiện để phát triển kinh tế cũng như nuôi dạy con nên người, Suy nghĩ của anh là một trong những bước tiến về việc thay đổi nhận thức của người dân nơi đây trong việc thực hiện chính sách dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
Được biết bản San Cha Mán có 77 hộ dân thì có đến 14 hộ sinh con 1 bề, trong đó có 9 hộ sinh toàn con trai và 5 hộ sinh toàn con gái nhưng đều dừng lại ở 2 con, đây cũng là những hộ có điều kiện kinh tế vững và con cái đều được học hành đầy đủ so với các hộ dân khác trong bản.
Thường thì đối với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, chuyện sinh nhiều con hoặc sinh con một bề nhất là con gái thì phải cố gắng sinh được một cậu con trai là tâm lý cố hữu của người dân, đặc biệt là trong suy nghĩ của người chồng trong gia đình để có người nối dõi tông đường. Tuy nhiên, những thay đổi trong nhận thức của người dân, nhất là của người đàn ông đã là động lực giúp người phụ nữ không phải vất vả suy nghĩ chuyện nhất thiết phải sinh cho nhà chồng một người con trai mà còn là cú hích cho việc phát triển kinh tế - xây dựng đời sống văn hóa cũng như góp phần thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình xã vùng cao như Tả Lèng.
Một buổi tuyên truyền về chính sách dân số của cán bộ Trạm y tế xã Tả Lèng.
Để thực hiện tốt vấn đề này, Ban chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và trạm y tế xã cùng với đội ngũ cộng tác viên dân số thôn bản đã chủ động xây dựng kế hoạch, đồng thời tích cực tuyên truyền tới từng hộ gia đình, từng người dân trong độ tuổi sinh đẻ, với phương châm "Mưa dầm thấm lâu" do đó mà chuyện sinh nhiều con, hoặc sinh con một bề đã từng bước dần được loại bỏ khỏi suy nghĩ của người dân ở đây. Trao đổi với chúng tôi bà Ngô Thị Minh Nguyệt - Phó BCĐ công tác DS-KHHGĐ xã Tả Lèng nói: Với địa bàn vùng cao nhất là vùng đồng bào dân tộc như xã chúng tôi việc vận động người dân thực hiện chính sách dân số là một trong những khó khăn, tuy nhiên dưới sự nỗ lực của đội ngũ cộng tác viên dân số, trưởng bản, đồng thời lồng ghép việc tuyên truyền những lợi ích của việc sinh ít con vào các cuộc họp của chi bộ, của bản và đưa vào quy ước thôn bản nên các hộ dân của Bản San Cha Mán thực hiện khá tốt vấn đề này và đã nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 đây cũng là bản duy nhất trong toàn xã thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ.
Với những kết quả trong việc thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ đã góp phần giúp đời sống văn hóa - kinh tế - xã hội của bản San Cha Mán ngày một đi lên, tỷ lệ hộ nghèo trong bản hàng năm giảm từ 6 - 8%, tình hình an ninh trật tự xã hội được đảm bảo, bản cũng được các cấp chính quyền tặng giấy khen là bản 3 năm liền có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn //midevit.com là vi phạm bản quyền