Nhân viên bảo vệ Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - Vimico kiểm soát người ra vào khu vực mỏ đất hiếm tại trạm barie.
Mỏ đất hiếm Đông Pao nằm trên địa phận 2 xã Bản Giang và xã Bản Hon có diện tích gần 10,9 km2, toàn bộ diện tích mỏ có khoảng 60 thân quặng lớn nhỏ. Năm 2014, Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - Vimico được Bộ Tại nguyên cấp phép quản lý, khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao bao gồm 4 thân quặng F3, F7, F9, F10, với diện tích khu vực khai thác 132,74 ha. Các thân quặng được cấp phép khai thác, cũng như các thân quặng nằm trong ranh giới được giao quản lý nằm cách xa nhau, địa hình đồi núi cao hiểm trở và chia cắt, rừng rậm, không có đường đi lại dẫn đến khó khăn cho việc tuần tra quản lý. Mặc dù diện tích mỏ khá lớn nhưng hiện Công ty mới đền bù giải phóng mặt bằng được 36 ha. Diện tích còn lại của các thân quặng F7, F9, F10 vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân, người dân vẫn đi lại canh tác, chăn nuôi gia súc dẫn đến khó khăn trong việc quản lý. Cùng với đó lực lượng bảo vệ của Công ty quá mỏng, hiện tại mới chỉ có 6 người nên công tác tuần tra, kiểm soát người ra vào khu vực mỏ rất khó khăn. Anh Bùi Duy Cương - Phó trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp, Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu – Vimico cho biết: Để chủ động bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản và ANTT khu vực mỏ đất hiếm Đông Pao. Sau khi được cấp phép chúng tôi đã thành lập tổ bảo vệ chuyên trách, lập chốt barie, đồng thời ký kết quy chế phối hợp với Công an huyện, UBND xã Bản Hon, Bản Giang để bảo vệ các thân quặng ở các khu vực liên quan. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành cắm thêm các biển pano, áp phích ở các khu vực địa bàn dân cư ở 2 xã Bản Giang và Bản Hon nhất là ở khu vực mỏ Đông Pao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ bảo vệ phối hợp với lực lượng công an huyện, công an xã tuần tra, kiểm soát các điểm trên thân quặng. Do đó, từ đầu năm đến nay không có tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép quặng ra khỏi mỏ.
Cán bộ, bảo vệ Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - Vimico phối hợp với lực lượng Công an xã, Công an huyện tuần tra, kiểm soát khu vực mỏ đất hiếm.
Trong những năm vừa qua tình hình an ninh trật tự tại địa phương có những diễn biến phức tạp do điều kiện kinh tế của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Thôn bản bao quanh mỏ Đất hiếm Đông Pao, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí không đồng đều. Một số đối tượng lợi dụng sự hiểu biết hạn chế của bà con nhân dân lôi kéo thu nhặt quặng thuộc quản lý của Công ty bán cho một số đối tượng thu mua. Để thực hiện tốt việc bảo vệ mỏ, bảo vệ tài nguyên khoáng sản đất hiểm, Công ty đã thành lập 2 tổ bảo vệ thực hiện nhiệm vụ canh gác, bảo vệ khu vực mỏ. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, kiểm soát các phương tiện và người qua lại nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vận chuyển trái phép quặng Đất hiếm từ khu vực mỏ mang ra ngoài. Đại úy Lù Văn Dũng - Phó trưởng Công an xã Bản Hon cho biết: Trên địa bàn xã có mỏ đất hiếm diện tích khá lớn. Do đó Công an xã phối hợp các ban ngành, đoàn thể đến từng bản tuyên truyền, ký cam kết không khai thác, vận chuyển, tàng trữ đất hiếm trái phép. Chúng tôi cũng phối hợp với Bảo vệ công ty đất hiếm thường xuyên tuần tra, kiểm soát khu vực mỏ. Nhờ đó, từ đầu năm đén nay trên địa bàn xã không sảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản đất hiểm góp phần đảm bảo an ninh trât tự tại địa bàn.
Cán bộ Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - Vimico với lực lượng Công an xã, Công an huyện xác định các thân quặng cần bảo vệ trên bản đồ.
Là người dân có diện tích đất canh tác tại khu vực mỏ đất hiếm, anh Tao Văn Chài ở bản Đông Pao 2 thường xuyên vào khu vực này để sản xuất. Để đảm bảo nguồn tài nguyên khoáng sản của Quốc gia anh đã được Công an huyện, công an xã, Công ty tuyên truyền và ký cam kết không tàng trữ, khai thác, vận chuyển trái phép đất hiếm. Mặc dù vào canh tác trong khu vực mỏ nhưng anh Chài luôn tuân thủ nghiêm các quy định bảo vệ mỏ và cũng kịp thời báo cho các lực lượng chức năng khi phát hiện các trường hợp khai thác, vận chuyển đất hiếm. Anh Chài chia sẻ: Sau khi được chính quyền, công an, công ty đất hiếm tuyên truyền, chúng tôi đã ký cam kết, đồng thời tuyên truyền bà con không khai thác, vận chuyển trái phép đất hiếm, nếu có bắt được trường hợp nào khai thác, vận chuyển chúng tôi báo với cán bộ địa phương để xử lý.
Cán bộ Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - Vimico với lực lượng Công an xã, Công an huyện kiểm tra người từ khu vực đất hiếm đi ra.
Từ năm đến nay, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là làm tốt công tác phối hợp giữa công ty và các cấp, ban ngành đặc biệt là lực lương công an, tình trạng khai thác trái phép đất hiếm đã được xử lý dứt điểm. Nhận thức người dân được nâng lên, có trách nhiệm tố giác các trường hợp khai thác và cố tình tiếp tay cho hành vi thu mua đất hiếm, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương và bảo vệ tài nguyên khoáng sản của Quốc gia.
Hoàng Cường