Những năm trước trên diện ruộng này, gia đình anh Ma A Phử, bản Sáy San 3, xã Nùng Nàng cấy lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, thấy nhiều hộ dân của huyện Sìn Hồ trồng Sâm đương quy cho thu nhập hơn trồng ngô, lúa, anh Phử đã thử nghiệm trồng loại cây dược liệu này. Đến nay, gia đình anh đã mở rộng trồng hơn 5.000m2, mỗi vụ cho thu hoạch từ 3 - 3,5 tấn củ, bán ra thị trường với giá 50.000 đến 60.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình anh trên 100 triệu đồng.
Anh Ma A Phử, bản Sáy San 3, xã Nùng Nàng chia sẻ: Gia đình tôi trồng cây Đương quy được 4 năm nay, từ khi trồng cây Đương quy mang giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô trước kia nên hiện tại ruộng nương nhà tôi chỗ nào đất tốt gia đình đều chọn để trồng cây Đương quy, đến nay gia đình đã trồng hơn 5.000m2 cây Đương quy. Người dân bản Sáy San 3, xã Nùng Nàng chăm sóc cây Đương quy.
Thấy nhiều hộ dân trong xã trồng cây Sâm đương quy cho thu nhập cao, năm nay anh Sùng A Chớ bản Sáy San 1, xã Nùng Nàng quyết định chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng 2.000m2 sâm đương quy. Đây là năm đầu tiên trồng nên anh Chớ đã đi học hỏi kỹ thuật của các hộ đã trồng trước, và tìm hiểu thêm qua sách, báo. Nhờ đó, toàn bộ diện tích sâm đương quy của gia đình anh hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Sùng A Chớ, bản Sáy San 1, xã Nùng Nàng nói: Năm nay là năm đầu tiên gia đình tôi trồng sâm đương quy, do vậy tôi tích cực học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nhờ đó cây đang sinh trường khá tốt, hứa hẹn cho gia đình thu nhập cao hơn các loại cây trông khác.
Cây sâm đương quy được người dân xã Nùng Nàng đưa vào trồng tại địa bàn từ năm 2018. Đến nay, đã có gần 10 hộ tham gia trồng với tổng diện tích hơn 10.000m2. Các hộ tham gia trồng loại cây dược liệu này được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh; bảo quản sau thu hoạch.
Sau hơn 4 năm được trồng trên địa bàn, theo đánh giá loại cây này khá phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng và phát triển khá tốt, sản phẩm rễ tiêu thụ trên thị trường, đem lại thêm một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Trao đối với chúng tôi, ông Ngô Văn Sĩ - Phó Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng cho biết: Cây Đương quy được bà con nông dân tên địa bàn triển khai trồng từ năm 2018, đến nay đã có nhiều hộ gia đình mở rộng diện tích trồng. Bước đầu cây cho thu nhập cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân. Trong thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch mở rộng phát triển loại cây này dần hình thành vùng sản xuất hàng hoá.
Trong thời gian tới, cùng với phát triển cây ăn quả ôn đới, việc phát triển cây dược liệu này sẽ từng bước hình thành sản phẩm hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương. Trọng Hoản